Việt Nam đã và đang nỗ lực đạt những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, ngày càng nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Chính vì vậy, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ngay từ lúc bắt đầu khởi nghiệp sẽ góp phần tạo dựng văn hóa doanh nghiệp và tiền đề cho quá trình xây dựng các chính sách của doanh nghiệp trong tương lai.
Mục tiêu của đề án là, nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2025 đạt được các mục tiêu: 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 10.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/ hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tại một diễn đàn, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick từng chia sẻ: "Những doanh nghiệp thông minh hiểu rằng, thúc đẩy bình đẳng giới trong việc thực hiện các chính sách nhân sự là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và tăng sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp khởi nghiệp".
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong tất cả các mục tiêu của Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, có những giải pháp đổi mới, hiệu quả hơn về bình đẳng giới trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi; phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp.
Thứ ba, cần quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ, chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt chỉ tiêu là cơ sở quan trọng để tiến hành kiện toàn các chức danh nữ Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thứ tư, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả sử dụng, phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác bình đẳng giới.
Về phía Nhà nước, lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình thực hiện chiến lược này cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bên liên quan, đó là sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, DN và các tổ chức xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với sự phát triển của phụ nữ nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục sáng tạo, mở rộng kết nối, chủ động hợp tác với các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án, qua đó ngày càng có thêm nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp thành công.